OVERTHINKING LÀ GÌ? LÀM SAO ĐỂ KHÔNG CÒN SUY NGHĨ QUÁ NHIỀU?

Thử thách không phải là khó khăn, cái khó khăn mà bạn phải đối mặt chính là những suy nghĩ nảy sinh ra trong quá trình đó. Thế hệ gen Z - giới trẻ ngày nay đang trở nên tiếp nhận, đối mặt với quá nhiều vấn đề và suy nghĩ trong cuộc sống khi còn quá sớm. Chúng ta thường có xu hướng sẽ trở nên suy nghĩ và cân nhắc nhiều hơn, đó là khi chúng ta đã mắc phải hội chứng overthinking suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề nào đó, kể cả trong quá khứ, hiện tại hay là về nỗi lo cho tương lai.

1. Overthinking là gì?

"Overthinking không phải là bệnh tâm thần, nhưng nó có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác. Overthinking thường liên quan đến chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD). GAD được đặc trưng bởi xu hướng lo lắng quá mức về một số thứ", bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhận định. Cụ thể hơn, đây là hiện tượng xảy ra khi một người nào đó có suy nghĩ thái quá về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Bạn trở nên lo lắng, khó chịu và đau khổ khi suy nghĩ về một câu chuyện gì đó xảy ra, thậm chí là những khía cạnh không quan trọng hoặc không thể kiểm soát được, như là lời nhận xét của người khác, khi không làm tốt một việc mình kì vọng, lo lắng về ánh mắt của người ngoài. Điều đó liên tục bị lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong một khoảng thời gian dài, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách bạn suy nghĩ về cuộc sống, khiến cho bạn chỉ tập trung vào những ý nghĩ tiêu cực mà thôi, không thể nào suy nghĩ về vấn đề khác được.

Overthinking được chia thành hai dạng: Ruminating overthinking (hồi tưởng về quá khứ) và Worrying overthinking (lo lắng cho tương lai).

 

Ruminating overthinking : Đây là tình trạng khi mà người bị over thinking suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, là khi mà họ quá lo lắng và bận tâm vào những tình huống, sự việc đã xảy ra hoặc những sai lầm mà họ quá gây ra trong quá khứ, họ có thể bị ám ảnh với những sự thất bại. Việc suy nghĩ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, mất tập trung, khó khăn và không thể ngừng nghĩ về nó.

 

Worrying overthinking (Lo lắng cho tương lai): là khi bạn tập trung quá nhiều vào những vấn đề chưa chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai, điều này dẫn đến những áp lực vô hình, khiến bạn dễ chùn bước và không dám thử thách.

 

Suy tư quá mức có thể gây nên căng thẳng tinh thần và ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

 

2. Dấu hiệu của Overthinking- tại sao bạn lại dễ rơi vào trạng thái này?

Theo một nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Susan Nolen-Hoeksema của Đại học Michigan, có đến 73% người 25-35 tuổi và 52% người 45-55 tuổi rơi vào trạng thái suy nghĩ quá nhiều và thái quá. Theo Glints Việt Nam, có đến 3 triệu thanh thiếu niên có tình trạng tương tự, 93% bạn bị overthinking thường xuyên và 78% trong số đó là vì học tập, 11% còn lại là vì những vấn để khác như gia đình, tình cảm,…

Nếu bạn còn phân vân rằng mình đang bị overthinking hay mắc một số vấn đề tâm lí nào khác, đây là một số dấu hiệu để bạn phân biệt:

 

- Khó tập trung: suy nghĩ nhiều làm giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập.

- Buồn rầu và căng thẳng: từ lo lắng bạn sẽ dần chuyển sang tình trạng suy tư, buồn rầu, mất động lực.

- Lo âu không dứt: Người bị overthinking thường có xu hướng mất khả năng bình tĩnh, trở nên lo lắng thường xuyên khó kiểm soát.

- Tự đánh giá thấp: Suy tư quá mức có thể dẫn đến tự đánh giá thấp, tự ti và thiếu tự tin.

- Rối loạn giấc ngủ: thường bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn trước khi ngủ, điều này dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, như mơ màng hoặc thức giấc vào ban đêm.

- Tình trạng thể chất: Overthinking có thể gây ra các triệu chứng về sức khỏe như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, và cảm giác căng thẳng cơ bắp.

- Tách biệt xã hội: suy nghĩ nhiều khiến bạn cảm thấy bản thân luôn làm phiền người khác, làm giảm tương tác xã hội hoặc gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác.

 

 

Overthinking không loại trừ bất cứ một cá thể, cá nhân nào, nó có thể vô tình ập đến kể cả với những người đang vô cùng tự tin và hiếu thắng. Việc bị sa vào những suy nghĩ có thể vì bạn là người có tính cách tự nhiên là suy nghĩ nhiều và cẩn thận, dễ dàng bị mắc vào suy tư quá mức. Bên cạnh đó là áp lực từ các tình huống căng thẳng trong cuộc sống, như áp lực công việc, mối quan hệ xã hội khó khăn, hoặc sự thay đổi lớn, có thể gây ra mệt mỏi, để ý quá mức. Bạn dày vò về chuyện quá khứ, cũng có thể lại lo lắng vì những điều chưa xảy ra. Cuộc sống hiện đại có thể đưa ra quá nhiều thông tin và ảnh hưởng, làm cho người ta cảm thấy bị quá tải thông tin và lo lắng ô số khía cạnh khác nhau của cuộc sống, điển hình như là áp lực đồng trang lứa, áp lực từ những người giỏi hơn.

 

3. Overthinking - tác hại khó lường:

“Suy nghĩ này kéo theo suy nghĩ khác, lẩn quẩn trong đầu khiến mình mất tập trung. Lo lắng quá nhiều cho những chuyện chưa xảy ra làm mình mất đi sự tận hưởng ở hiện tại. Hơn nữa, việc mình tự suy diễn những điều không có thật cũng khiến cho bạn bè xung quanh cảm thấy không thoải mái. Mình biết đây là một hình thức tự làm khổ bản thân, trói buộc mình trong những suy nghĩ do chính mình mổ xẻ, áp đặt nhưng chẳng thể thoát ra được”, Nguyễn Như Quỳnh (21 tuổi) ngụ tại số 8, đường số 9, Khu phố 4, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết. Điều khó khăn nằm ở việc bạn biết rằng mình không nên suy nghĩ, nhưng những dòng cảm xúc đó vẫn liên tục hiện lên không thể cản.

 

Overthinking có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với tâm trạng và cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số tác hại phổ biến của overthinking: 

 

- Sức khoẻ yếu đi, mất ngủ : suy nghĩ quá mức có thể làm mất giấc ngủ hoặc gây ra rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. 

- Quyết định kém hiệu quả, hiệu suất làm việc giảm: Overthinking có thể làm cho việc ra quyết định trở nên khó khăn và kéo dài thời gian cần thiết để đưa ra quyết định,  làm giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập.

- Giảm sự tự tin: viẹc dành thời gian bận rộn với suy nghĩ và lo âu có thể khiến bạn nhụt chí, giảm sự tự trọng của bạn.

- Mối quan hệ bị ảnh hưởng: vì trở nên quá nhạy cảm và lo lắng, gây ra xung đột và căng thẳng trong mối quan hệ với người khác.

4. Cách khắc phục Overthinking: 

Khắc phục overthinking có thể đòi hỏi một sự cố gắng và quá trình, nhưng có một số cách bạn có thể thử để giảm bớt tác động của nó: 

 

- Nhận biết và nhớ rằng overthinking đang diễn ra: Bước đầu tiên là nhận ra khi bạn đang rơi vào suy nghĩ quá mức và chấp nhận điều đó. Điều này cho phép bạn ngừng lại và xem xét tình huống.

- Thiền định: Thiền định là một phương pháp hiệu quả bạn có thể thử qua, kết hợp những bài nhạc nhẹ để tạo nên những phút giây thanh bình, tránh để lạc sang những suy nghĩ tiêu cực.

- Ghi chép: Khi bạn bắt đầu suy nghĩ quá mức, hãy viết ra những suy nghĩ và lo lắng của mình. Điều này có thể giúp bạn dám đối mặt và suy nghĩ về những điều đó, phân tích lại rằng có đáng để lo lắng hay không.

- Tập thể dục và dinh dưỡng: Chăm sóc cơ thể thông qua việc tập thể dục đều đặn và ăn uống cân đối cũng là cách giúp cải thiện tâm trạng và làm giảm căng thẳng.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu overthinking trở nên quá nặng nề và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ từ một chuyên gia tâm lý hoặc tư vấn viên.

 

Nhớ rằng việc khắc phục overthinking không xảy ra một cách tức thì, nhưng với sự kiên nhẫn và các kỹ thuật phù hợp, bạn có thể cải thiện tình trạng của mình và sống một cuộc sống ít bị ảnh hưởng bởi suy tư quá mức.

 

Bạn thích bài viết này? Cập nhật thông tin bằng cách tham gia bản tin của chúng tôi!

Bình luận

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Thông tin tác giả